Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm B: Phép Rửa Hay Phép Dìm?

Bài 42:

PHÉP RỬA HAY PHÉP DÌM?

Bản văn Tin Mừng Mc 1, 4-5 trong Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng thuật lại cho chúng ta biết việc “ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan”.

Hạn từ “phép rửa” dịch bởi danh từ báp-tis-ma (βάπτισμα) và có động từ là bap-- (βαπτίζω) trong tiếng Hylạp Tân Ước có nghĩa là “dìm xuống”. 

Vậy, gọi là “phép rửa” thì nhằm đến ý nghĩa thanh tẩy ; còn gọi là “phép dìm” thì mang tính biểu tượng của hành trình hoán cải, chết đi cho con người cũ và trỗi dậy trong con người mới. Thánh Gioan Tẩy Giả thì làm phép rửa bằng nước, còn Đức Giêsu thì làm phép rửa bằng Thánh Thần như chính lời xác nhận của thánh nhân với dân chúng Dothái rằng: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 8).  Như vậy, có sự đối chiếu giữa hai phép rửa: phép rửa bằng nước và phép rửa trong Thánh Thần.

Việc chịu phép rửa theo một nghi thức đã có từ thế kỷ I : dìm mình dưới nước. Phép rửa bằng nước của ông Gio-an đòi hỏi lòng hối cải, nhắm đến việc thanh luyện tâm hồn và mang giá trị cánh chung : đem người chịu phép rửa vào nhóm những người tích cực trông đợi Đấng Mê-si-a sẽ đến. Còn phép rửa của Đức Giêsu trong Thánh Thần thì chỉ toàn thể công trình cứu độ do Đức Giêsu khai mở. Ở đây, công trình cứu độ đó được coi như tác động gây nên sự tái sinh, thực hiện công cuộc thánh hoá cánh chung nhờ Thánh Thần. Thành ngữ trong Thánh Thần gợi lại sự tái sinh trong thời cuối cùng, sự tái sinh đã được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 32,15-16 ; Ed 11,19-20).

1. Phép rửa bằng nước

Từ xa xưa, truyền thống Do-thái đã đề cập đến một loại nghi thức thanh tẩy bằng nước mà sách Xuất Hành đã ghi lại:

ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê : “Ngươi sẽ làm một cái vạc đồng có đế cũng bằng đồng dùng vào việc tẩy rửa ; ngươi sẽ đặt cái vạc đó giữa Lều Hội Ngộ và bàn thờ. Ngươi sẽ đổ nước vào đó ; A-ha-ron và các con ông sẽ dùng nước đó mà tẩy rửa tay chân. Khi vào Lều Hội Ngộ, họ sẽ lấy nước đó mà tẩy rửa để khỏi phải chết; hoặc khi tiến đến bàn thờ để hành lễ, để đốt của lễ hoả tế mà dâng ĐỨC CHÚA, thì cũng vậy. Họ sẽ tẩy rửa tay chân để khỏi phải chết. Đó sẽ là điều luật vĩnh viễn cho họ, cho A-ha-ron và dòng dõi ông qua mọi thế hệ” (Xh 30,17-21)

Như vậy với qui định này, các tư tế phải thanh tẩy mình sạch sẽ trước khi tiến vào Lều Hội Ngộ gặp gỡ Thiên Chúa, và nghi thức thanh tẩy đó tiếng Hípri gọi là mik-veh (מִקְוֶה).

Thuật từ mik-veh có hai nghĩa: [1] niềm hy vọng, và [2] nguồn nướchồ nước hay bể nước.

Trong Gr 17,7-8, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã trình bày một cách tinh tế cả hai ý nghĩa trên của mik-veh khi nói rằng:

Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái (Gr 17,7-8).

Theo đó, Đức Chúa vừa là niềm hy vọng, vừa là nguồn nước nuôi sống những ai đặt niềm tin vào Chúa.

Trong sách Lê-vi, Thiên Chúa cũng hướng dẫn các nghi thức giúp mọi người Do-thái tắm rửa để thanh tẩy bản thân khỏi ô uế khi vô tình hoặc cố ý đụng chạm phải những thứ ô uế, chẳng hạn như đụng vào xác chết hoặc chạm vào người phong cùi... Việc tắm rửa như vậy chủ yếu để đáp ứng các yêu cầu Lề Luật về việc thanh tẩy và cho phép họ có thể tiếp tục dâng lễ tế tại Đền Thờ. 

Ngoài ra, khi những người dân ngoại có lòng “kính sợ Chúa” muốn gia nhập vào cộng đồng Do-thái thì họ cũng được các tư tế cử hành nghi thức thanh tẩy bằng nước, đồng thời chịu phép cắt bì để có thể chính thức trở thành “người Do-thái” theo Lề Luật. Việc cử hành nghi thức mik-veh như vậy là khá phổ biến vào thời Chúa Giêsu, và một người có thể cử hành nghi thức thanh tẩy mik-veh này nhiều lần.

Mặc dù hành động thanh tẩy được mô tả trong những đoạn Cựu Ước đã trích dẫn ở trên không được gọi cụ thể là “phép rửa”, nhưng nó nhấn mạnh tầm quan trọng và thánh thiện của nghi thức thanh tẩy để có thể đến trước nhan Thiên Chúa. Về sau người ta không chỉ cử hành nghi thức mik-veh bằng cách dìm mình trong những bể nước, mà còn có thể dìm mình trong các nguồn nước tự nhiên như: sông suối, ao hồ… Vì thế chúng ta mới thấy việc ông Gioan Tẩy giả bảo người ta dìm mình dưới sông Giođan, hoặc như việc ông Phi-líp-phê làm phép rửa cho viên thái giám người Ê-thi-ô-pi tại một nơi có nước mà sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại:

Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói : “Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không ?” Ông Phi-líp-phê đáp : “Nếu ngài tin hết lòng, thì được” (Cv 8,36-37).

Hình ảnh mik-veh ở Qum-ran

Các sách Tân Ước khi đề cập đến “phép rửa” thì dùng động từ Hy-lạp bap-tí-zô (βαπτίζω) có nghĩa là “dìm, nhấn chìm, nhúng, ngâm” vào trong “cái gì đó”,  và từ ngữ này thường được dùng cách riêng trong ngành nhuộm vải, vì thế ở đây chúng ta có thể hiểu “phép rửa”, theo cách chúng ta thường gọi, đó chính là việc “dìm toàn thân mình” vào trong nước, chứ không đơn giản chỉ là việc đổ nước để rửa tay hay rửa một phần thân thể nào.

Theo ý nghĩa đó, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa nghi thức thanh tẩy (mik-veh) theo truyền thống Do-thái với phép rửa của ông Gio-an Tẩy Giả khi ông “dìm” người chịu phép rửa trong sông Gio-đan, do đó phép rửa của ông Gio-an có thể gọi là “phép dìm”. Đồng thời, khi làm phép rửa, ông Gio-an cũng nhấn mạnh đến khía cạnh “ăn năn sám hối” của người lãnh nhận.

Dù vậy phép rửa của ông Gio-an cũng không giống với phép rửa của Kitô giáo, vì phép rửa của ông là phép rửa để “tỏ lòng sám hối”, và “tin” vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giêsu (Cv 19,4), còn phép rửa Kitô giáo là phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội, và để nhận được ân huệ là Thánh Thần (Cv 2,38).

2. Phép rửa bằng Thánh Thần

Tác giả sách Tin Mừng Mát-thêu ghi lại lời ông Gioan Tẩy Giả tuyên bố với những người đến xin ông làm phép rửa cho họ rằng:

Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước để giục lòng anh em sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11).

Những lời ông Gio-an Tẩy Giả ở đây cùng với ý nghĩa của thuật từ Hylạp bap-ti-zô, “phép dìm”,  chúng ta có thể hiểu “phép rửa bằng Thánh Thần” có nghĩa là “dìm một người” vào trong Thánh Thần, tức là làm cho một người được tràn ngập Thánh Thần… và thông qua phép rửa này, nhờ Thánh Thần, một người sẽ chính thức được hiệp thông với Hội Thánh, được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô như lời thánh Phaolô chép trong thư 1 Cr 12,13:

Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. 

Phép rửa của ông Gio-an chỉ là một biểu tượng bên ngoài ; tác động của Đức Kitô mới thật sự thanh luyện bên trong tâm hồn do sức mạnh của Thánh Thần. Hiệu năng của Thánh Thần được ví như lửa. Cựu Ước đã dùng biểu tượng này (x. Is 1,25 ; Dcr 13,9 ; Ml 3,2-3 ; Hc 2,5) để diễn tả tác động mạnh mẽ của Thiên Chúa và Thần Khí của Người trong lòng người ta.

Như vậy, “phép rửa bằng nước” trong Kitô giáo là sự biểu thị của “phép rửa bằng Thánh Thần”, và là phương tiện để một người tuyên xưng đức tin và trở thành môn đệ Đức Giêsu một cách công khai.

 Phép rửa Kitô giáo biểu thị việc người tín hữu thông dự vào sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Đồng thời, nó cũng biểu thị sự chết của người tín hữu đối với tội lỗi và sự sống mới trong Đức Kitô như cách thánh Phao-lô diễn tả trong thư Rôma:

“Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6,11)

để sau đó:

Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết (Cl 2, 12).

Việc dìm trong nước tượng trưng cho cái chết đối với tội lỗi, và việc nổi lên khỏi nước tượng trưng cho đời sống mới, thánh thiện, trong sạch sau khi lãnh nhận ơn cứu độ, nên thánh Phao-lô đã viết rằng:

Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới (Rm 6,4).

Cầu nguyện

Ước mong sao “phép rửa” mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận và nhờ đó mà được thanh tẩy, cũng gợi lên tâm tình cầu nguyện như lời thánh vịnh 51:

Lạy Thiên Chúa,

xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm,

lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Xin dùng cành hương thảo

rảy nước thanh tẩy con,

con sẽ được tinh tuyền ;

xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.

Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi

và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.

Lạy Chúa Trời,

xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,

cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

(Tv 51,3-6.9.11-12.17).

Nguồn: tgpsaigon.net

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng